Công nghệ đo lường khí thải carbon trong nông sản

Giải pháp công nghệ CarbonCloud tính toán lượng khí thải của thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng, nhằm thúc đẩy thương mại nông sản thông minh, trách nhiệm.

Ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm phát thải gần 1/4 lượng khí nhà kính toàn cầu. Theo tạp chí Nature Climate Change, dự báo đến năm 2100, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng 1 °C chỉ vì nhu cầu tiêu thụ thực phẩm có nhiều nguồn khí metan (thịt chế biến, sữa và gạo), dẫn tới nguy cơ đối mặt với những thảm họa tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu gây ra.

Do đó, các nhà khoa học thế giới nhấn mạnh trách nhiệm chung của toàn ngành nhằm cải thiện phương pháp sản xuất, áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, giảm lãng phí thực phẩm ở cấp độ người tiêu dùng và bán lẻ. Chính vì vậy những biện pháp này cần được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ.

Công cụ trực tuyến CarbonCloud giúp tính toán lượng khí thải của thực phẩm trên toàn chuỗi sản xuất.

Công cụ trực tuyến CarbonCloud giúp tính toán lượng khí thải của thực phẩm trên toàn chuỗi sản xuất.

Gần đây, nhóm chuyên gia công nghệ Thụy Điển đã phát triển công cụ trực tuyến CarbonCloud nhằm tính toán lượng khí thải của thực phẩm dựa trên hoạt động nuôi trồng, sản xuất, chế biến. Trong tương lai, chỉ số khí thải cacbon này sẽ được in trên bao bì sản phẩm tại các chuỗi siêu thị lớn nhất thế giới. Mức độ phát thải cacbon in trên bao bì được dự đoán sẽ là yếu tố thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, nhấn mạnh trách nhiệm của các nhà cung ứng, sản xuất đồ ăn cũng như người tiêu dùng.

Ông David Bryngelsson, Giám đốc điều hành và sáng lập của CarbonCloud cho biết, công cụ được tạo ra để trao quyền cho người tiêu dùng. Nói cách khác, khách hàng sẽ trực tiếp thúc đẩy các công ty thực phẩm giảm lượng khí thải bằng cách chọn các sản phẩm có hàm lượng cacbon thấp hoặc không có cacbon.

Giải pháp CarbonCloud bắt nguồn từ thực trạng chung trên thế giới: trong khi hầu hết các công ty thực phẩm đều công bố dữ liệu phát thải, theo đuổi định hướng phát triển bền vững, thì rất ít người tiêu dùng dành thời gian để phân tích chi tiết và đưa ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu cá nhân.

Bánh mì sản xuất tại Ý ít phát thải 0,07 kg CO2/kg so với bánh mì Đức. Nếu mỗi năm sản xuất 10.000 tấn bánh mì, tức là bánh mì ở Ý giúp giảm phát thải 700 tấn CO2 ra môi trường.

Bánh mì sản xuất tại Ý ít phát thải 0,07 kg CO2/kg so với bánh mì Đức. Nếu mỗi năm sản xuất 10.000 tấn bánh mì, tức là bánh mì ở Ý giúp giảm phát thải 700 tấn CO2 ra môi trường.

Theo Giám đốc Bryngelsson, người tiêu dùng có thể truy cập miễn phí công cụ CarbonCloud qua internet. Tới nay, hệ thống cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin 55.000 sản phẩm nông sản phổ biến nhất trên thế giới, như trà Lipton, sữa yến mạch của công ty Oatly, kẹo KitKat của Nestlé… Mỗi mặt hàng trên CarbonCloud đều có tổng lượng khí thải theo thẻ trọng lượng, cũng như phần trăm lượng khí thải của toàn chuỗi hàng, như vận chuyển, đóng gói, chế biến…

“Công cụ này có thể được ví như Google của sản xuất nông nghiệp bền vững. Chúng tôi mong muốn người tiêu dùng sẽ đưa ra những lựa chọn sáng suốt, tạo động lực cho các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp thực phẩm phát triển bền vững”, ông Bryngelsson chia sẻ.

Khi truy cập hệ thống CarbonCloud, người dùng hiểu rõ hơn về tác động của chế biến thực phẩm đối với môi trường. Nhiều người vốn biết, các mặt hàng thịt động vật, sản phẩm sữa thường phát thải nhiều hơn so với các mặt hàng có nguồn gốc thực vật. Tuy nhiên, số liệu trên CarbonCloud bất ngờ cho thấy, một số sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật như bơ hồ đào hoặc hạt phỉ phát thải tới 20 kg CO2/kg, gấp 10 lần sản phẩm sữa nguyên chất. Theo đó, trang web CarbonCloud chỉ ra thành phần chính của các mặt hàng này là dầu cọ, nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng ở nhiều nơi trên thế giới.

Ngoài ra, cơ sở đánh bắt, nuôi trồng cũng giúp đo lường mức phát thải khí nhà kính. Ví dụ, cá hồi được nuôi ở trang trại có mức phải thải 10 kg CO2/kg, ít hơn nhiều so với cá hồi đánh bắt tự nhiên ở Thái Bình Dương (đạt 60 kg CO2/kg) do chi phí vận hành tàu, vận chuyển cá về bờ.

Người đứng đầu CarbonCloud thông tin, cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính của các mặt hàng nông sản mới chỉ là điểm khởi đầu của một chặng đường ‘dài hơi’. Trong những năm tới, các doanh nghiệp toàn cầu và các quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp sẽ đồng loạt chuyển đổi theo hướng xanh và bền vững.

Nhà sáng lập của CarbonCloud: Cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính của các mặt hàng nông sản mới chỉ là điểm khởi đầu của một chặng đường ‘dài hơi’.

Nhà sáng lập của CarbonCloud: Cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính của các mặt hàng nông sản mới chỉ là điểm khởi đầu của một chặng đường ‘dài hơi’.

“Chúng ta hoàn toàn có khả năng sản xuất thực phẩm không có cacbon. Nhưng để làm được điều này, thế giới cần những chuyển đổi mang tính hệ thống. CarbonCloud chỉ là một phần trong mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu, thúc đẩy phong trào nông nghiệp giảm phát thải, tập trung thay đổi hành vi người tiêu dùng”, ông Bryngelsson nói.

Theo đó, CarbonCloud cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đối tác đo lường, tính toán lượng khí thải cacbon trong quá trình chế biến, sản xuất. Đồng thời, đội ngũ phát triển nền tảng số của công ty cũng nỗ lực thiết kế giao diện thân thiện với người dùng, cho phép họ truy cập CarbonCloud dễ dàng hơn khi đi mua hàng.

(Nguồn: CarbonCloud: Công nghệ đo lường khí thải trong sản phẩm nông sản (nongnghiep.vn)