Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM chiều 24-1, đại diện Công ty Samsung muốn hợp tác với TP phát triển điện mặt trời áp mái. Doanh nghiệp này đề nghị TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ các chính sách liên quan.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Carolyn Turk tại hội nghị chiều 24-1 – Ảnh: T.T.D.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi – chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết TP đặt ra mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 nhằm xây dựng môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả.
Tháo gỡ các chính sách phát triển điện mặt trời áp mái
Qua hội nghị, ông Mãi mong muốn nhận được các ý kiến đề xuất và kinh nghiệm về đổi mới công nghệ xanh, quản lý nguồn nước, năng lượng và giải pháp phát triển đô thị bền vững.
TP cũng muốn thúc đẩy sáng kiến đổi mới và hợp tác đa quốc gia, kêu gọi đầu tư tư nhân nhằm từng bước chuyển sang nền kinh tế xanh, bền vững hơn.
Đưa ý kiến tại hội nghị, đại diện Công ty Samsung cho biết Samsung muốn hợp tác với TP.HCM trong phát triển điện mặt trời áp mái. TP.HCM đã có các dự án cụ thể và có nhà máy đặt tại Khu công nghệ cao TP.
Đơn vị này đang chờ các hướng dẫn về mặt pháp lý để có thể đồng hành với TP.HCM phát huy hiệu quả năng lượng mặt trời áp mái. Samsung kiến nghị UBND TP.HCM kiến nghị mạnh mẽ Chính phủ sớm tháo gỡ các chính sách phát triển điện mặt trời áp mái.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan điều phối phiên thảo luận – Ảnh: T.T.D.
Trước đề xuất này, ông Võ Văn Hoan – phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết hiện nay vẫn còn các vướng mắc về giá bán điện và chính sách hỗ trợ.
Ông Hoan gợi ý Samsung đề xuất đề án phủ điện mặt trời toàn bộ Khu công nghệ cao dưới góc độ nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu công nghệ cao cần nghiên cứu ý tưởng của Samsung để đề xuất chính sách hỗ trợ từ TP.
Khu công nghệ cao hướng trở thành khu công nghiệp net zero đầu tiên
Về định hướng tăng trưởng xanh, Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đặt mục tiêu phát triển đồng thời chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, hướng đến phát triển Khu công nghệ cao TP.HCM thành khu công nghiệp net zero (phát thải ròng bằng 0) đầu tiên.
SHTP đề xuất UBND TP đề xuất Chính phủ thí điểm các cơ chế, chính sách liên quan đến mua bán điện trực tiếp, triển khai các công trình năng lượng mặt trời áp mái, mua bán tín chỉ carbon…
SHTP cũng đề xuất Ngân hàng Thế giới (WB), UBND TP xem xét lộ trình xây dựng SHTP trở thành khu đô thị xanh và thông minh (smart and net zero city) trước năm 2030.
Nghiên cứu tuyến giao thông công cộng đường thủy từ bến Bạch Đằng – phà Bình Khánh
Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng phát biểu tại hội nghị – Ảnh: T.T.D
Huyện Cần Giờ cũng được kỳ vọng sẽ là địa phương tiên phong net zero vào năm 2035. Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết huyện đang xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn.
Cụ thể, huyện Cần Giờ xây dựng đề án phát triển toàn diện thương mại – dịch vụ kinh tế biển theo hướng kinh tế biển xanh giai đoạn 2023 – 2030; đề án phát triển du lịch theo hướng phát triển du lịch cộng đồng, hướng tới mô hình du lịch sinh thái và sinh thái chất lượng cao.
Huyện cũng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đề xuất phương án xử lý chai nhựa, tái chế nhựa, quy đổi các giải pháp xanh ra tín chỉ carbon…
Về giao thông, địa phương này phối hợp Sở Giao thông vận tải đầu tư xây dựng giao thông xanh, xây dựng mô hình phát triển đô thị sinh thái bền vững, thông minh và phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD).
Trước mắt là nghiên cứu tuyến giao thông công cộng đường thủy từ bến Bạch Đằng – phà Bình Khánh và xe buýt điện, xe máy điện theo mô hình chia sẻ từ phà Bình Khánh đi các điểm đến trong huyện Cần Giờ.
Huyện cũng đề xuất TP thí điểm điện áp mái cho cả công sở, tư nhân và bãi muối, nghiên cứu về điện sinh khối từ xử lý rác và điện gió ngoài khơi.
Bán tín chỉ carbon đem lại nguồn thu cho TP
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai phát biểu – Ảnh: T.T.D
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai – giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM – cho biết TP.HCM đang đứng trước một số vấn đề. Công nghệ xử lý chất thải rắn chủ yếu vẫn là chôn lấp, chỉ 12,8% nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Bên cạnh đó, TP có khoảng 8 triệu xe máy và gần 1 triệu ô tô.
Vận dụng nghị quyết 98, TP đã xây dựng các chính sách phát triển giao thông xanh, đô thị xanh, đổi mới khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng xanh.
Cụ thể, TP xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi chuyển đổi phương tiện hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. TP cũng định hướng phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).
TP khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải; xây dựng chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Một trong những nguồn lực thực hiện, theo bà Mai, nguồn thu từ bán tín chỉ carbon cũng sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngân sách TP, nguồn này TP được hưởng 100% theo nghị quyết 98.
(Nguồn: Samsung muốn hợp tác với TP.HCM phát triển điện mặt trời áp mái – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)